Bạn cần chuẩn bị gì cho bộ hồ sơ du học Mỹ bậc Đại học?
Du học Mỹ 2023 là ước mơ của rất nhiều sinh viên. Mỹ nổi tiếng với nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới, có môi trường giảng dạy tốt nhất. Bạn có ý định đi du học Mỹ nhưng không biết điều kiện du học Mỹ cụ thể như thế nào? Bạn quan tâm mức học phí, sinh hoạt phí và các thủ tục phỏng vấn xin visa du học, chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ tại các trường đại học ra sao? Để giúp các bạn trả lời câu hỏi “Cần chuẩn bị gì cho bộ hồ sơ du học Mỹ bậc Đại học?”, bài viết dưới đây của EduShine sẽ tổng hợp các loại giấy tờ quan trọng cho một bộ hồ sơ du học Mỹ.
Một bộ hồ sơ du học Mỹ sẽ bao gồm các phần chính là (1) hồ sơ học thuật, (2) hồ sơ Visa, (3) hồ sơ chứng minh tài chính. Chúng ta hãy cùng nhau đi sơ lược từng phần.
Xem thêm: Computer Science – Ngành siêu hot không lo thất nghiệp tại Mỹ
Hồ sơ học thuật
Bộ hồ sơ học thuật ghi lại những thành tựu của bạn về mặt học vấn, kinh nghiệm làm việc (nếu có). Đây là cơ sở để các trường đánh giá một cách khách quan năng lực của bạn. Vì tính quan trọng mật thiết này mà bạn cần phải có sự đầu tư thật nhiều, nhằm chứng minh bản thân có nhiều thế mạnh, ưu điểm, hoặc phù hợp hơn so với những ứng viên khác.
Hồ sơ học thuật bao gồm:
- CV bằng tiếng Anh
- Bài luận cá nhân xin học bổng
- Các bài luận phụ của trường
- Thư giới thiệu
- Chứng chỉ Tiếng Anh (SAT/IELTS/TOEFL..) tùy từng trường
- Giấy chứng nhận những thành tích khác nếu có
CV bằng tiếng Anh
CV hay Curriculum Vitae – lý lịch cá nhân là một loại giấy tờ không thể thiếu khi bạn muốn đăng ký vào các trường Đại học tại Mỹ. Tùy theo mỗi trường mà sẽ có mẫu CV có sẵn, hoặc bạn phải tự mình thực hiện hoàn toàn. Một lưu ý quan trọng là CV phải được viết bằng tiếng Anh.
Một lý lịch cá nhân ấn tượng là điểm cộng vô cùng lớn cho quá trình xét tuyển của bạn. Thông thường, trong một bản CV cần bao gồm những thông tin sau:
- Personal Information (Thông tin cá nhân)
- Education Background (Lý lịch học tập)
- Work Experience (Kinh nghiệm làm việc)
- Extracurricular Activities (Hoạt động ngoại khóa)
- Certifications (Chứng chỉ, bằng cấp)
- Một số mục thêm vào trong mẫu CV du học như: Research Experience (kinh nghiệm nghiên cứu); Awards and honours (giải thưởng, bằng khen); Skills (các kỹ năng); References (phần giới thiệu/xác nhận từ giáo viên hoặc cấp trên của tổ chức, doanh nghiệp mà bạn đã tham gia); Additional information (những thông tin khác bạn muốn cung cấp thêm cho Hội đồng xét tuyển của trường).
Bài luận cá nhân xin học bổng
Bài luận cá nhân thông thường là một yêu cầu bắt buộc trong mỗi bộ hồ sơ xin học bổng, là yếu tố làm nên sự khác biệt cho mỗi ứng viên. Nói như vậy có nghĩa rằng bài luận cá nhân sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn.
Tùy thuộc mỗi trường Đại học/ Cao đẳng mà yêu cầu về độ dài hay chủ đề bài luận sẽ có sự khác nhau. Có lúc là bài luận giới thiệu bản thân, có lúc lại là một chủ đề nghị luận cụ thể. Thông qua những gì bạn thể hiện trên bài luận của mình, trường sẽ đánh giá bạn được trên nhiều tiêu chí khác nhau, xem bạn có phải là một ứng viên đủ năng lực và phù hợp hay không. Bạn hãy chú ý tuân thủ theo những quy định mà trường yêu cầu để không mắc phải những sai lầm không đáng có trong bài luận nhé.
Đối với bài luận, các bạn cần tìm kiếm những yêu cầu về đề tài, quy định của trường để có bài luận đúng tiêu chuẩn. Nếu không có các yêu cầu đặc biệt, thì thông thường bài luận cần phải nêu lên được năng lực và tính cách; mục đích học tập; mục tiêu nghề nghiệp; động lực gì khiến cho bạn chọn ngôi trường này; cùng các mục tiêu khác có liên quan như mơ ước được cống hiến vào lĩnh vực chuyên môn mà bạn đã chọn hay cống hiến cho trường,…
Một số lưu ý quan trọng khác: hãy kể sự thật, lời văn trong bài luận cần phải gãy gọn, ngôn từ phù hợp và có tính thuyết phục, đồng thời phải có dẫn chứng ví dụ cụ thể, để từ đó trường thấy được tính cam kết cao và tầm nhìn ở bạn.
Các bài luận phụ của trường
Bài luận phụ (Supplement Essay) là yêu cầu của một số trường, đi kèm với bài luận chính như EduShine đã đề cập với bạn ở bên trên.
Bài luận phụ thường sẽ ngắn hơn các bài luận chính, trả lời một số câu hỏi cụ thể mà trường yêu cầu (như lý do bạn chọn trường, bạn có định hướng gì để cống hiến trong tương lai,…). Mục đích của bài luận phụ là sẽ giúp các trường có được sự phân tích sâu sát, khách quan và chi tiết hơn tầm nhìn cũng như lối tư duy của bạn.
Đề tài của các bài luận phụ thường rất đa dạng. Với tiêu chí này, bạn hãy theo dõi trang web hoặc các kênh truyền thông của trường để nắm được những bài luận cần bổ sung. Đừng vì yêu cầu độ dài của bài luận phụ thấp hơn bài luận chính mà bỏ qua tầm quan trọng của nó. Bởi lẽ nhờ có bài luận phụ, trường có thể đánh giá được nhiều hơn về tư duy, năng lực và quan điểm cá nhân của bạn đấy.
Thư giới thiệu
Thư giới thiệu được biết đến là lá thư viết bởi một cá nhân đáng tin cậy và có mối quan hệ mật thiết với bạn. Đó có thể là giáo viên, giảng viên trực tiếp giảng dạy; hoặc quản lý, người sếp đang trực tiếp dẫn dắt bạn ở môi trường công sở. Thư giới thiệu mà bạn gửi cho trường với mục đích nhằm giúp cho hội đồng có thể đánh giá mức độ tin cậy của những thông tin thành tích mà bạn đã cung cấp, dựa trên những đánh giá, nhìn nhận của người viết thư.
EduShine gợi ý bạn nên chuẩn bị 2 đến 3 thư giới thiệu chung cho tất cả các trường.
Đối với HS đang đi học, chưa đi làm: Xin 2 – 3 bản thư giới thiệu từ thầy cô bậc học gần nhất.
Đối với HS đã tốt nghiệp, đi làm trên 6 tháng: bạn cần xin thư giới thiệu cả từ thầy cô Đại học và từ quản lý/ cấp trên trực tiếp tại công ty mà hiện bạn đang làm việc.
Yêu cầu bắt buộc các thư giới thiệu phải được viết bằng Tiếng Anh và có những dẫn chứng cụ thể. Bạn có thể tự mình viết thư giới thiệu trong trường hợp giáo viên quá bận rộn, hoặc Thầy Cô không sử dụng ngoại ngữ. Trong các trường hợp này, sau khi hoàn thành thư giới thiệu, hãy đưa cho giáo viên để các Thầy Cô đọc lại, góp ý và chỉnh sửa để có được một hồ sơ hoàn thiện, chỉn chu và minh bạch nhất có thể bạn nhé.
Bài thi Tiếng Anh (SAT/IELTS/TOEFL..)
Được biết, các trường tại Mỹ hầu hết sẽ có yêu cầu chứng chỉ Tiếng Anh trong hồ sơ du học Mỹ. Các loại chứng chỉ là tùy thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, đa phần các trường không quy định về loại chứng chỉ nhất định mà sẽ có hệ quy đổi. Bạn nhớ lưu ý những mức điểm tối thiểu cho Overall, hoặc cho từng kỹ năng (nếu có) mà trường yêu cầu nhé.
Dưới đây là bảng tham khảo số điểm chứng chỉ Tiếng Anh tương ứng với từng cấp học khác nhau, bạn hãy tham khảo và chọn cho mình loại chứng chỉ phù hợp nhé:
THPT | Cao đẳng | Đại học | Sau Đại học | |
SSAT | 228 / 265 | – | – | – |
IELTS | – | Từ 5.5 trở lên | Từ 6.5 trở lên | Từ 6.5 trở lên |
TOEFL | – | Từ 61 trở lên | Từ 80 – 90 | Từ 80 – 90 |
SAT / ACT | – | – | Từ 1100 trở lên / 19 trở lên | – |
GMAT / GRE | – | – | Từ 500 trở lên | Từ 500 trở lên |
Giấy chứng nhận các thành tích khác (Nếu có)
Đây có thể là các giấy chứng nhận tham gia các hoạt động ngoại khóa (tham gia câu lạc bộ, tổ chức, tình nguyện,…) hoặc giấy chứng nhận của nơi làm việc, giấy chứng nhận, bằng khen cho những thành tích cá nhân nổi bật.
Hồ sơ Visa
Đến với việc chuẩn bị hồ sơ xin Visa, bạn cần có cho mình những loại giấy tờ sau:
Hộ chiếu
Nếu chưa có hộ chiếu, bạn có thể xin cấp hộ chiếu thông qua 02 hình thức:
Trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Trực tuyến rất tiện lợi ngay tại trang web “Cổng dịch vụ công Quốc gia”, hộ chiếu sẽ đến tay bạn sau khoảng 10 – 15 ngày.
Các loại giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị sẵn bao gồm:
- Ảnh chụp hộ chiếu cũ (nếu đã từng được cấp trước đây);
- Ảnh chụp cỡ 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu;
- Ảnh chụp mặt trước và mặt sau thẻ CCCD/ CMND có gắn chíp (yêu cầu rõ nét);
- Số điện thoại chính chủ đã được đăng ký.
- Thư mời nhập học của trường
Thư mời nhập học (Offer Letter) chính là câu trả lời từ phía trường học mà bạn đã nộp hồ sơ. Mục đích chính của lá thư này là để xác nhận xem bạn có được vào học hay không. Ngoài ra, offer letter còn có một số mục đích khác như:
Nộp hồ sơ xin visa: Thực chất, offer letter không được dùng để nộp hồ sơ xin visa (kể cả có điều kiện lẫn không điều kiện). Chỉ sau khi các bạn trả lời đồng ý nhập học và đóng cọc tiền học phí (nếu được yêu cầu) thì bạn sẽ nhận được email giấy xác nhận nhập học từ phía trường học. Thông thường, giấy này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về chuyên ngành học, thời lượng khóa học, học phí khóa học của bạn, khoản tiền đặt cọc mà bạn đã đóng và đường link dẫn đến những trang web hữu ích cho việc chuẩn bị hồ sơ xin visa.
Nộp hồ sơ đăng ký chương trình học bổng: Đối với một số chương trình học bổng, phía nhà tài trợ sẽ yêu cầu bạn nộp lại giấy mời nhập học của trường Đại học mà bạn đã chọn. Vì thế, nếu bạn không được nhận vào trường thì bạn cũng sẽ không có cơ hội được trao học bổng.
Mẫu đơn I-20 có số SEVIS
Đơn I-20 (Certificate of Eligibility for Nonimmigrant Student Status) chứng nhận cho việc bạn đủ điều kiện học tập tại Mỹ và không định cư. Đơn I-20 sẽ có số nhận dạng SEVIS của bạn. Trường Đại học sẽ gửi đơn này đến Sở Di trú Chính phủ Mỹ hoặc Lãnh sự quán Mỹ như một giấy chứng nhận thông báo rằng bạn là sinh viên nước ngoài sẽ đến nước này để học tập tại trường.
Cần lưu ý rằng đơn I-20 là một yêu cầu bắt buộc đối với những bạn xin Visa loại F và loại M để đến Mỹ.
Mẫu đơn online (DS-160)
Đây là loại giấy tờ bắt buộc cho những bạn sinh viên du học không định cư.
Kết quả xét duyệt Visa sẽ phụ thuộc khá nhiều vào đơn DS-160 này. Đơn DS-160 yêu cầu không được viết tay mà phải điền vào mẫu đơn có sẵn, và phải nộp trước cuộc phỏng vấn của bạn với Đại sứ quán Mỹ. Kiểm tra những thông tin bạn cung cấp, họ có thể đặt những câu hỏi nhằm mục đích xác thực, kiểm chứng trong buổi phỏng vấn. Vì vậy hãy minh bạch và thật cẩn thận khi điền vào đơn DS-160 này bạn nhé!
Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị các loại giấy tờ liên quan khác: ảnh thẻ đúng kích cỡ được yêu cầu, hồ sơ chứng minh tài chính (chi tiết bên dưới), bảng điểm và giấy chứng nhận do trường yêu cầu, phiếu/ biên lai thu phí các giấy tờ xin Visa.
Hồ sơ chứng minh tài chính
Hồ sơ chứng minh tài chính là vô cùng quan trọng trong quá trình xin Visa cũng như là xin học bổng tại trường Đại học/ Cao đẳng của bạn. Hồ sơ này được yêu cầu bắt buộc, nhằm chứng minh rằng gia đình bạn có thể cung cấp đủ kinh phí để bạn có thể trang trải cả về học phí, nhà ở, sinh hoạt trong suốt khoảng thời gian học tập tại trường. Hồ sơ chứng minh tài chính bao gồm:
- Hộ chiếu bản chính (còn hiệu lực trên 6 tháng kể từ ngày được cấp visa)
- Giấy xác nhận mẫu đơn DS – 160
- Hóa đơn đóng phí DS-160
- Hóa đơn đóng phí SEVIS
- Ảnh chụp chân dung
- Lịch hẹn phỏng vấn
- Sổ hộ khẩu (bản gốc)
- Giấy khai sinh (bản gốc)
- Giấy chứng nhận sở hữu các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu, nhà đất, xe cộ,…(nếu có)
- I-20
- Bảng điểm học bạ và giấy xác nhận của nhà trường (bản gốc)
- Bản gốc sổ tiết kiệm trong ngân hàng hoặc giấy xác nhận số dư của ngân hàng
- Chứng Minh Nhân Dân (bản gốc)
- Sổ đỏ (nếu có)
Trên đây là các loại giấy tờ mà bạn cần phải chuẩn bị cho bộ hồ sơ du học Mỹ. Để sẵn sàng cho kỳ nhập học mùa thu 2023, bạn nên chuẩn bị sớm hồ sơ này từ bây giờ để tránh những lúng túng về sau. Nếu có bất kỳ thắc mắc cần được tư vấn hoặc hỗ trợ, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Du học EduShine nhé!